Những lễ hội ngày Xuân hấp dẫn trong dịp Tết được mong đợi nhất

Mỗi dịp Tết đến, ngoài việc gia đình sum họp – đoàn viên, người Việt còn mong ngóng các lễ hội mùa Xuân được diễn ra. Đây là dịp không chỉ để hành hương, cầu mong một năm mới bình an, may mắn mà còn để người dân có thời gian vui chơi, sinh hoạt cộng đồng và gìn giữ các giá trị văn hóa lâu đời. Trong bài viết này Văn Hoá Đời Sống cùng chuyên mục Văn Hoá Đời Sống xin tổng hợp 11 lễ hội ngày Tết từ Bắc vào Nam để các bạn có thể tham khảo này nhé!

Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh

  • Thời gian: từ mùng 9 tháng Giêng – hết tháng 3 âm lịch
  • Địa chỉ: Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: Hành hương, lễ Phật

Núi Yên Tử không chỉ là một cảnh quan kỳ vĩ của tự nhiên mà còn là một chốn đất thiêng, nơi lưu giữ được những giá trị tinh thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng của những người con đất Việt tìm đến mỗi dịp Tết đến Xuân về!

Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh

Lễ hội được diễn ra từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 hàng năm. Sau phần nghi lễ long trọng tổ chức dưới chân núi Yên Tử, các du khách thực hiện cuộc hành hương đến với chùa Đồng nằm phía trên cùng đỉnh núi, cảm giác như tách mình khỏi thế giới trần tục, về với đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Trên dọc đường đi, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi chùa, ngọn tháp ẩn mình bên những con suối, rừng cây.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần – Nam Định

  • Thời gian: từ ngày 13 – 15 tháng Giêng
  • Địa chỉ: Trần Thừa, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, Nam Định, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: lễ Khai ấn và rước kiệu tế vua Trần (diễn ra vào giờ Tý – rằm tháng Giêng). Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, múa bài bông và hát văn,

Trong tất cả các lễ hội Xuân của người Việt, nghi lễ Khai ấn Đền Trần là ngày được nhiều người biết đến hơn cả.

Tương truyền đây là một tập tục văn hóa có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần nhằm để tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với non sông và ông cha gầy dựng đất nước.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần - Nam Định
Lễ hội Khai ấn Đền Trần – Nam Định

Ngày nay, lễ hội là dịp để con cháu có thể tưởng nhớ lại công lao các vua Trần, cũng như làm sống lại tinh thần hào khí “Đông A” vàng son một thời của nước Việt. Đồng thời, nhiều người dân còn mong có thể rước được Ấn Trần cầu gia đình bình an và một năm mới nhiều may mắn, thăng tiến trong công việc.

Hội Lim – Bắc Ninh

  • Thời gian: từ ngày 12 – 14 tháng Giêng
  • Địa chỉ: 80 Nguyễn Đăng Đạo, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: lễ rước (diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng), phần hội có các trò như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm,… Đặc sắc nhất là hoạt động hát dân ca Quan họ diễn ra tại sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ khác.

Hội Lim là ngày hội mang nhiều màu sắc dân gian và thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật – tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Nhiều người cho rằng Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương.

Hoạt động trong Hội Lim
Hoạt động trong Hội Lim

Hoạt động hát Quan họ tại Hội Lim – Bắc Ninh. Đến với Hội Lim, du khách không chỉ tìm về với những nét đẹp truyền thống mà còn trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, con người trong những ngày đầu Xuân.

Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm,… với muôn màu muôn vẻ như ẩn chứa vô vàn sức sống. Đây chắc hẳn sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong lòng bạn nếu có dịp đến với Hội Lim – Bắc Ninh.

Lễ hội chùa Hương – Hà Nội

  • Thời gian: từ mùng 6 tháng Giêng – hết tháng 3 âm lịch
  • Địa chỉ: Đường tỉnh 74, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: hành hương, lễ Phật, bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn,…
  • Giá vé:
    • Vé thắng cảnh: 80.000đ
    • Vé đò thuyền 2 lượt: 50.000đ

Lễ hội chùa Hương đã không còn xa lạ đối với người dân ở mọi miền Tổ quốc, nhất là với các Phật tử. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của thời gian, lễ hội đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, và là một điểm đến du xuân cho du khách bốn phương.

Khai mạc lễ hội chùa Hương
Khai mạc lễ hội chùa Hương

Đến với lễ hội chùa Hương, người dân thường cầu mong cho cuộc sống đủ đầy, sức khỏe và tài lộc. Ngoài phần lễ hội chính, du khách đến hành hưỡng, vãn cảnh có thể tham quan nhiều địa điểm du lịch đẹp vô cùng hấp dẫn như động Hương Tích, đền Trình và chùa Thiên Trù.

Lễ hội gò Đống Đa – Hà Nội

  • Thời gian: mùng 5 tháng Giêng
  • Địa chỉ: phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: phần lễ diễn ra vào buổi sáng, tiếp sau đó là các hoạt động như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà,…

Hội gò Đống Đa là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến công lao và chiến tích lẫy lừng của vua Quang Trung – người anh hùng áo vải Tây Sơn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Lễ hội Gò Đống Đa - Hà Nội
Lễ hội Gò Đống Đa – Hà Nội

Vì vậy mà hàng năm vào mùng 5 Tết Nguyên Đán, người Việt từ khắp nơi đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ đã đổ máu chiến đấu, cũng như ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc.

Trong ngày hội này, người dân cũng tổ chức nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long được xem là phần độc đáo nhất của lễ hội.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn – Hà Nam

  • Thời gian: từ mùng 5 – 7 tháng Giêng
  • Địa chỉ: xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành, và lễ bái yết Thần nông. Ngoài ra phần hội có các hoạt động vui chơi như đánh đu, vẽ trâu, đi cầu phao,…

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn – ngày nay đã trở thành nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Bởi đây là dịp lễ hội giàu tính nhân văn, đề cao và coi trọng nghề nông, thể hiện lòng biết ơn ông cha trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng.

Lễ tịch điền Đọi Sơn - Hà Nam
Lễ tịch điền Đọi Sơn – Hà Nam

Trong quá trình diễn ra lễ hội, một lão nông sẽ tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bắt đầu thực hiện khấn cáo vua Lê và Thần Nông. Sau đó, người này sẽ đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua sẽ là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.

Cuối cùng, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông sẽ xuống cày 9 sá sau khi vua đã thực hiện xong.

Lễ hội Lồng Tồng – Tuyên Quang

  • Thời gian: từ mùng 7 – 8 tháng Giêng
  • Địa chỉ: tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam.
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: thi khâu còn (mùng 7 tháng Giêng), lễ cúng tại đền Bách Thần (diễn ra mùng 8 tháng Giêng). Phần hội sẽ bao gồm các trò chơi dân gian như ném còn, chơi cầu leo, cầu lut, đánh yến, đánh pam, đu quay, chọi gà, chọi chim, cờ tướng, đi cà kheo, đẩy gậy,…

Lễ hội Lồng Tông đối với nhiều người còn khá xa lạ, nhưng lại là ngày hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần – xã hội của đồng bào Tày.

Họ xem đây không chỉ là dịp bày tỏ sự nhớ ơn đối với các bậc có công dựng xây đất nước, mà còn hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện khát vọng của con người về sự hòa hợp trời đất và những mong ước cho một năm mới thật nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu.

Trò chơi tung còn trong lễ hội Lồng Tồng
Trò chơi tung còn trong lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tông được tổ chức tại nhiều địa điểm của 5 huyện trên địa bản tỉnh Tuyên Quang bao gồm Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Sơn Dương. Nhưng quy mô lễ hội lớn nhất là vào ngày mùng 8 tháng Giêng tại thị trấn Vĩnh Lộc – nơi hội tụ của thiên thần, địa thần, nhân thần và thờ cúng Tam Quang (Nhật – Nguyệt – Tinh) theo tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Lễ hội Cầu Ngư – Thừa Thiên Huế

  • Thời gian: từ ngày 10 – 12 tháng Giêng
  • Địa chỉ: thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động:

Ngày 10: tổ chức các trò chơi thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi,…

Ngày 11: bắt đầu cúng tế từ 5 giờ sáng tại đình làng Thai Dương và các am miếu.

Ngày 12: tiến hành làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị có công tại đình làng và am miếu trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình với các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới,…

Đây là một dịp lễ đặc biệt, bởi cứ “tam niên đáo lệ – 3 năm một lần” thì người dân lại tổ chức ngày lễ long trọng nhất để tưởng nhớ vị khai canh Trương Quý Công đã thành lập làng, và dạy nghề đánh cá.

Trong lễ hội Cầu Ngư, người dân tổ chức nhiều nghi lễ cũng như hoạt động vui chơi không chỉ để bày tỏ tấm lòng nhớ ơn người có công mà còn thể hiện mong muốn an lành cho những người ra khơi và cầu cho năm mới có thể làm ăn thịnh vượng.

Lễ hội Cầu Ngư - Thừa Thiên Huế
Lễ hội Cầu Ngư – Thừa Thiên Huế

Đến nay, lễ hội Cầu Ngư tháng Giêng – Thừa Thiên Huế đã trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, được gìn giữ và tổ chức long trọng hằng năm, cũng như thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Đống Đa – Bình Định

  • Thời gian: từ mùng 4 – 5 tháng Giêng
  • Địa chỉ: thôn Kiến Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam.
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: lễ tế bao gồm các nghi thức: đọc sớ tế, dâng hương và dâng hoa diễn ra tại chính điện Tây Sơn. Sau đó sẽ là phần múa nhạc võ Tây Sơn, cũng như tái hiện lại trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa thắng lợi.

Cùng với Lễ hội gò Đống Đa – Hà Nội, tại quê nhà của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, người dân cũng tổ chức ngày lễ lớn để tưởng nhớ đến công lao chống giặc và dựng nước của ông. Đây vừa là dịp lễ tái hiện lại không khí hào hùng năm xưa, vừa khơi dậy tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc.

Lễ hội Đống Đa - Bình Định
Lễ hội Đống Đa – Bình Định

Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh

  • Thời gian: từ mùng 4 tháng Giêng – hết tháng 2 âm lịch
  • Địa chỉ: phường Ninh Sơn, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động: hành hương, lễ Phật, cũng như tham quan hoặc xem hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ),…

Theo tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, núi Bà Đen là một trong những vùng đất tâm linh hàng bậc nhất, gắn với nhiều truyền thuyết, câu chuyện dân gian được lưu truyền đến ngày nay. Vì vậy mà lễ hội núi Bà Đen hằng năm luôn tấp nập người dân đến hành hương, viếng thăm nhằm cầu mong cho bình an cho gia đìnhthăng tiến trong công việc.

Lễ hội núi Bà Đen - Tây Ninh
Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh

Từ chân núi, du khách sẽ bắt đầu lần theo các bậc thang đến với đền Linh Sơn Thánh Mẫu, sau đó tiếp tục theo đường mòn để lên chùa lễ Phật. Tại gần đỉnh núi có miếu Sơn thần, du khách khi đứng tại đây sẽ có cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên với những đám mây trôi bồng bềnh quanh núi.

Những người hành hương lên núi Bà Đen thường sẽ xin những gói giấy đỏ, bên trong đựng một nhúm gạo hoặc tiền lẻ với hy vọng một năm làm ăn phát lộc, phát tài.

Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang

  • Thời gian: từ đêm ngày 23/4 đến 27/4 âm lịch
  • Địa chỉ: 132 Châu Thị Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam
  • Xem bản đồ: Tại đây
  • Hoạt động:

Phần lễ: Lễ tắm Bà (12 giờ đêm ngày 23 rạng ngày 24), Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà (15 giờ ngày 24), Lễ Túc Yết (12 giờ đêm ngày 25 rạng ngày 26), Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế (4 giờ sáng ngày 26). Chiều ngày 27, người dân sẽ đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng.

Phần hội: gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như hát tuồng bộ, múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,…

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang đậm nét bản sắc dân tộc, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc riêng của người dân Nam Bộ. Có nhiều truyền thuyết, câu chuyện dân gian được lưu truyền xoay quanh nguồn gốc tượng Bà, song người dân đều tin rằng xin lộc từ Bà có thể giúp họ khỏe mạnh, bình an và trừ tà ma.

Lễ hội Bà Chúa Xứ - An Giang
Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang

XEM THÊM:

Trên đây là những lễ hội ngày Tết đến Xuân về mà các bạn tham khảo và lựa chọn. Văn Hoá Đời Sống hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có thêm những thông tin bổ ích về các nét đẹp văn hoá Việt Nam. Cuối cùng, chúc các bạn có một năm mới bình an và vui vẻ!

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan

Bình luận

Để lại bình luân

Nhập bình luận tại đây
Để lại tên bạn ở đây

Xem nhiều