Tết Trung Thu (tết Chuseok) là ngày lễ lớn được người dân Hàn Quốc luôn mong chờ trong năm. Hãy cùng Văn Hoá Đời Sống và chuyên mục Ngày Trong Năm tìm hiểu một số thông tin xung quanh Chuseok và đặc biệt là khám phá các món ăn dịp tết Trung Thu của dân Hàn nhé!
Tết Trung Thu (tết Chuseok) của người Hàn Quốc
Tết Trung Thu (tết Chuseok) là ngày gì?
Với người dân Hàn Quốc thì Tết Chuseok hay Tết Trung Thu là dịp Tết Tạ ơn. Đây được xem như ngày lễ lớn thứ 2 trong năm và họ sẽ được nghỉ lễ trong 3 ngày. Chuseok còn có tên gọi khác là Hangawi, trong đó: “Han” là lớn và “gawi” là Rằm tháng 8 âm lịch.
Tết Trung Thu Hàn cũng được tổ chức vào 15/8 âm lịch (Rằm tháng 8). Trong ngày nghỉ, công dân Hàn Quốc trở về nhà bên cạnh cùng những người thân yêu, gửi những món quà xuất phát từ sự chân thành.
Nguồn gốc của tết Chuseok
Lễ Chuseok do vị Quân vương thứ ba của triều Silla – Vua Yuri tạo ra với nguyên bản là một một cuộc thi tài. Các đội nữ nhi ở kinh thành dệt vải tham gia tranh tài. Thời gian 16/7 đến 14/8 âm lịch, đội nào dệt được nhiều vải nhất sẽ được khao thịnh soạn.
Từ đó, Tết Trung Thu đã dần trở thành một ngày vui chơi không thể thiếu trong văn hóa xứ sở Kim Chi.
Ý nghĩa tết Chuseok
Tết Chuseok diễn ra vào tháng 8 âm lịch hằng năm, trùng với mùa gặt nên các nông dân sẽ bày tỏ sự biết ơn sự giúp đỡ của tổ tiên cho một mùa màng no đủ và mong ước năm sau bội thu.
Ở dịp lễ đặc biệt này, những thành viên trong gia đình sẽ trở về sum họp hay quây quần bên nhau trên bữa cơm ấm cúng. Họ sẽ hưởng thụ thành quả nhận được sau một mùa vụ vất vả và trò chuyên thân mật với nhau.
Các hoạt động và trò chơi dịp tết Chuseok
Thờ cúng ông bà tổ tiên
Khá giống với Tiết Thanh Minh của Việt Nam, các gia đình sẽ đi viếng mộ, nhổ cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh. Tiếp đến, họ sẽ dâng lễ đến tổ tiên, bao gồm ngũ cốc, hoa quả hay các sản phẩm khác trong mùa màng để thể hiện sự biết ơn và lòng tôn kính.
Múa ganggangsullae
Hoạt động nghệ thuật tiêu biểu nhất trong Tết Chuseok người Hàn là ganggangsullae. Để thể hiện nét đẹp của điệu múa, các cô gái sẽ mặc trang phục truyền thống xứ sở Kim Chi là hanbok, tụ họp cùng nhau dưới ánh trăng rằm, vừa nhảy múa vừa hát.
Đấu vật
Trong dịp lễ Chuseok thì đấu vật là trò chơi không thể thiếu để những chàng trai thể hiện sức mạnh bản thân, theo hình thức đấu loại trực tiếp. Jangsa là danh hiệu cho người chiến thắng, đồng thời họ sẽ nhận được gạo, vải hay gia súc từ dân làng như một phần thưởng.
Các món ăn dịp Tết Trung Thu (tết Chuseok) của người Hàn Quốc
Songpyeon
Một món ăn không thể thiếu trong Tết Chuseok của người Hàn Quốc là bánh gạo Songpyeon truyền thống. Phần vỏ bánh làm từ bột mềm dẻo, nhân bên trong được lựa chọn từ những nguyên liệu có vị ngọt như đậu đen, hạt thông, quế, mật ong hay hạt dẻ,…
Sau đó, bánh gạo được hấp cách thủy mang mùi thơm đặc biệt của lá thông. Songpyeon được người Hàn Quốc nặn hình giống trăng khuyết với mong muốn mang đến sự thành công và tương lai tươi đẹp của mọi gia đình.
Hangwa
Hangwa là món ăn truyền thống lâu đời của người Hàn Quốc, có từ thời Joseon, được làm từ tinh bột, trái cây hay những dược liệu tốt cho sức khỏe như gừng, củ sen, cam thảo, cam chuông, gừng, sau đó phủ lên một lớp siro, đường hay mật ong.
Người Hàn sẽ cúng tổ tiên bằng trái cây hoặc hoa quả, nhưng sẽ dùng mật ong và ngũ cốc làm bánh Hangwa để thay thế nếu không có trái cây. Hiện nay, với sự nhập khẩu của bánh kẹo châu Âu hiện đại thì bánh kẹo truyền thống Hangwa dần mất đi vị trí.
Jeon (Bánh kếp)
Jeon hay Bánh kếp là món ăn truyền thống đơn giản được chế biến để chúc mừng Tết Trung Thu. Mỗi nhà sẽ có một cách làm khác nhau, đôi khi là bánh kếp là từ rau củ, hải sản hoặc thịt, nhưng phổ biến hơn hết là jeon bí, jeon cá minh thái,…
Bánh kếp được làm bằng cách phủ một lớp bột mì mỏng lên trên những nguyên liệu tùy thích (bất kì nguyên liệu nào cũng có thể làm jeon), sau đó chiên đến khi vàng giòn và có mùi thơm.
Japchae
Trong những ngày lễ ở Hàn Quốc, bạn sẽ thường thấy xuất hiện một món ăn bao gồm thịt và rau củ được xào cùng miến – chính là Japchae. Đặc biệt, miến xào có thể ăn nguội hoặc nóng tùy theo sở thích người dùng. Đây là món ăn ngon khó cưỡng của ẩm thực Hàn.
Với hương vị ngọt thanh, màu sắc rực rỡ của rau củ tạo cảm giác bắt mắt, miến xào Japchae được tạo ra để xua tan cái nóng hè oi ả ở Xứ sở kim chi, đồng thời góp phần làm phong phú nền ẩm thực truyền thống Hàn Quốc.
Bulgogi
Bulgogi là món thịt nướng của Hàn, được làm từ thịt lợn hay thịt bò thái mỏng, tẩm ướp với những gia vị bí truyền của người dân sau đó áp chảo hoặc nướng. Đối với những người không thể ăn cay thì đây là món ăn phù hợp khi được ướp ngọt.
Bạn có thể ăn Bulgogi cùng những thức ăn đi kèm như kim chi, rau củ,… hay ăn trực tiếp cùng cơm trắng. Trong mỗi dịp Tết Trung Thu, các thành viên trong gia đình thường tụ họp và thưởng thức Bulgogi.
Canh khoai sọ
Một món ăn không thể thiếu khác trong ngày lễ Tết Trung Thu của người Hàn Quốc là Canh khoai sọ.
Đầu tiên, khoai sọ sẽ được bỏ đi lớp nhớt bên ngoài bằng cách luộc qua nước muối hay nước vo gạo. Tiếp đến, phần khoai sẽ được hầm cùng với ức bò hoặc gân bò, tạo nên món ăn thanh đạm và bổ dưỡng cho sức khỏe mỗi dịp Rằm Trung Thu.
Lê
Trong mâm cỗ Tết Trung Thu của người Hàn Quốc thì Lê là trái cây không thể thiếu. Lê được sử dụng như món ăn tráng miệng sau khi mọi người đã dùng cỗ Trung Thu, với hương thơm nhẹ nhàng và thanh mát, đã gây ấn tượng sâu sắc với người mới thử.
Xem thêm:
- Tất Niên là gì? Ý nghĩa, phong tục ăn Tất niên 3 Miền
- Những việc nên làm ngày rằm tháng giêng để cả năm an lành, may mắn, thuận lợi
- Tìm hiểu một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh
Bài viết trên đã giới thiệu tổng quan về dịp lễ Chuseok của người Hàn Quốc, bao gồm: khái niệm, nguồn gốc, ý nghĩa, các hoạt động vui chơi giải trí và những món ăn dịp tết Trung Thu. Văn Hoá Đời Sống hy vọng thông qua những thông tin đã chia sẻ, bạn sẽ biết thêm nét đẹp văn hóa của dân Hàn.