Chắc hẳn những người Việt Nam 1 lần trong cuộc đời đã nghe về lễ tắm Phật. Đây là một nghi lễ có truyền thống rất lâu, chính là phần chính trong Đại lễ Phật đản. Vậy lễ tắm Phật diễn ra vào ngày nào? Hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Nguồn gốc của nghi lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Câu chuyện dựa theo ghi chép từ các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền.
Ý nghĩa của nghi lễ tắm Phật
Việc tắm Phật là một cơ hội để người con của Phật thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tấm lòng thành về Phật, đức hạnh và trí tuệ. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, từ dơ sẽ thành sạch, từ ô uế sẽ trở thành trong sáng, thanh khiết.
Nghi lễ tắm Phật biểu hiện sự tôn kính đối với Đức Phật. Bên cạnh đó, việc cúng kiếng với những mâm đồ chay tại gia đình trong ngày lễ Phật Đản cũng biểu hiện sự thanh lọc những ô uế, phiền não của tâm.
Lễ tắm Phật ngày nào?
Lễ tắm Phật tại mỗi quốc gia sẽ có những ngày riêng và được tổ chức rất trang trọng. Tại Việt Nam, ngày lễ tắm Phật thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 4 âm lịch. Ngày này thuộc vào dịp lễ Phật đản trong năm nên được tổ chức rất lớn.
Nghi thức tắm Phật đúng cách
Trước tiên là thực hành nghi lễ nguyện hương
Các Phật tử đánh 3 tiếng chuông, 2 tay cầm 3 cây nhang dâng lên ngang trán và quỳ đọc:
“Xin cho khói trầm thơm
Kết thành mây năm sắc
Dâng lên khắp mười phương
Cúng dường vô lượng Phật
Vô lượng chư Bồ Tát
Cùng các Thánh Hiền Tăng
Nơi pháp giới dung thông
Kết đài sen rực rỡ
Nguyện làm kẻ đồng hành
Trên con đường giác ngộ
Xin mọi loài chúng sanh
Từ bỏ cõi lãng quên
Theo đường giới, định, huệ
Quay về trong tỉnh thức
Nam mô hương cúng dường Bồ Tát Ma Ha Tát!
Chúng con cung kính nghe rằng, nơi cõi trời đâu suất đà, Thiện Huệ Bồ Tát ưng thời tốt, cỡi thần tượng giáng phó trần gian. Tại cung Vua Tịnh Phạn, Ma Da phu nhân cảm mộng lành, mang Thánh thai quang lâm phàm thế. Vui mừng thay, hoa đàm đã nở, sông núi hoan ca, thiên long trỗi nhạc, các trời rải hoa, chín rồng tắm Phật tại ta bà, bảy bước xưng tôn cùng vũ trụ. Màu nhiệm thay, ứng linh tích để báo trước nguyện độ sanh, hiện hóa thân để mở đầu ơn cứu độ. Hôm nay ngày trăng tròn tháng Tư Âm lịch, đệ tử chúng con, cung kính quỳ trước đài vàng, chí thành nấp trong ánh sáng, chiêm ngưỡng sơ sanh bảo tướng, lạy mừng từ phụ kim thân, ca dương công đức, bậc thầy ba cõi độc tôn, tán tụng hồng danh vị thánh muôn loài đệ nhất.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh”
Tiếp theo, Phật tử hãy đứng dậy trang nghiêm và cắm hương vào lư và đứng dậy để hành lễ Tam Bảo.
Nghi thức thứ 2 là đảnh lễ Tam Bảo
Trong nghi thức thứ 2, các Phật tử hãy ngồi xuống và đọc tán dương chi, tụng kinh chú đại bi.
Nghi thứ thứ 3 là đảnh lễ thập hiệu Phật
Phật tử hãy đứng dậy chắp tay và đọc từng câu. Cứ hết 1 câu là đánh 1 tiếng chuông và tiếp theo đó hãy xuống lạy 1 lạy.
“Chí tâm đảnh lễ, a tỳ ngục tốt, mới phát lòng lành, nhiều kiếp tu hành, nhân viên quả mãn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, một đời bổ xứ, hiện ở Suất Đà Hóa độ ta bà, sanh thân trần thế, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, từ đâu suất xuống, ứng mộng Ma Da, cỡi voi sáu ngà, vào trong thai mẹ, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, dưới cây vô ưu đản sanh thị hiện, chín rồng phun nước, bảy bước xưng tôn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, hiện hưởng dục lạc, nhàm chán vô thường, bốn cửa dạo chơi, chán đời già chết, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, nửa đêm vượt thành, xuất gia tầm đạo, tóc xanh cắt bỏ, núi tuyết tu hành, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, dưới cây bồ đề, hàng phục ma quân, thấy sao mai sáng, Phật đạo viên thành, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, bốn mươi chín năm, độ sanh thuyết pháp Ba thừa dạy đủ, quả mãn nhân thiên, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, dưới cây ta la thị hiện niết bàn để lại xá lợi, phước khắp trần gian, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ).
Chí tâm đảnh lễ, hiện tọa đạo tràng, ta bà giáo chủ cha lành bốn loại, ba cõi đạo sư, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ)”
Và sau đó, Phật tử ngồi xuống đọc bài Cuộc đời Đức Phật Thích Ca.
“Đức Phật Thích Ca
Từ đâu suất giáng trần
Nước Ca Tỳ La Vệ
Vào rằm tháng Tư
Hoa vô ưu bừng nở
Tại vườn Lâm Tỳ Ni
Trái đất sáu lần rung động
Nhạc trời trỗi khúc hoan ca
Thần dân vui khắp mọi nhà
Chúc mừng Thái tử Tất Đạt Đa
Tịnh Phạn vua cha
Rời hoàng cung đi đón
Hoàng hậu Ma-da
Sinh ra Ngài bảy ngày thì đã quy thiên
Kiều Đàm Di mẫu thay thế mẹ hiền
Nuôi Thái tử cho đến ngày khôn lớn
Tất Đạt Đa thông minh xuất chúng
Thiên tư cốt cách siêu phàm
Sở học không thể nghĩ bàn
Bao nhiêu thái sư cũng đều bái phục
Xuyên suốt cổ kim, không còn gì dạy nữa
Lớn lên, lời A Tư Đà, vua cha chợt nhớ
Mượn tay nguyệt lão kết tóc se tơ
Công chúa Gia Du kiều diễm như mơ
Để cột chân trong lâu đài nhân thế
La Hầu La, tiếng bi bô con trẻ
Mở mắt chào đời tập nói tiếng mẹ cha
Ngài muốn nhìn nhân tình thế thái gần xa
Nên dạo chơi ngoài bốn cửa thành Đông Tây Nam Bắc
Thấy cảnh sanh già bịnh chết
Ngài liền quyết chí xuất gia
Vào nửa khuya mồng tám tháng Hai
Sa Nặc ơi, đưa ta vượt khỏi hoàng thành
Xa lìa cung vàng điện ngọc
Xa lìa vợ đẹp con ngoan
Vì chúng sanh, ta ra đi quyết tìm ngôi báu
Tới dòng A Nô Ma
Ngài tự tay xuống tóc
Sa Nặc ơi, thôi, ngươi hãy lui về
Trở về thưa với phụ thân
Và nhắn lời của ta từ biệt
Còn riêng ta
Đến khi nào, tìm ra đạo thì mới trở về
Bằng ngược lại, thì xem như ta đã mất
Từ đó, giữa trùng trùng Lạp Sơn Hy Mã
Đêm ngày gội tuyết nếm sương
Sáu năm khổ hạnh khôn lường
Vẫn chưa tìm ra ánh đạo
Bao nhiêu đạo sĩ, quyền cơ tuyệt xảo
Bao nhiêu pháp thuật, huyền vi tuyệt trần
Nhưng còn chỗ kẹt, không phải toàn chân
Ngài lại một mình, đi tìm chân lý
Bên cạnh dòng sông Ni Liên Thuyền ý vị
Đan cỏ làm tòa, rồi khẳng quyết một câu
Chính nơi đây
Nếu không thành đạo
Thì ta quyết không rời chỗ này
Dù cho bụi đá trơ cây
Dù cho xương tan thịt nát
Thất thất tham thiền nghiêm mật
Cuối cùng chứng đắc đạo ca
Vô Thượng Chánh Đẳng Phật Đà
Bồ Đề Đạo Tràng, sen báu nở hoa
Vào ngày trăng tròn, tháng Mười Hai Âm lịch
Bốn mươi lăm năm trường vân du hóa độ
Hơn ba trăm hội chuyển pháp thuyết kinh
Hàng hàng lớp lớp đệ tử đảnh lễ nghiêng mình
Sáu nẻo ba đường rợp bóng Đạo Vàng siêu tuyệt
Thuận thế vô thường
Có sinh phải có diệt
Có diệt phải có sinh
Nhưng đạo lý chơn thường
Băng ngang dòng sinh diệt
Tại rừng Sa La
Đấng cha lành đã tám mươi năm tuổi già
Bảy chúng đệ tử cùng quây quần câu hội
Ngài bảo các con có còn gì muốn hỏi
Những gì ta dạy xưa nay
Đại chúng im lặng tỏ bày
Nếu chúng con đã thông suốt
Thì ta có mấy lời di giáo
Giới luật làm Thầy, đó là bậc nhất
Giáo pháp Ba Thừa, đó là vô song
Khai thông vô thỉ vô chung
Mở đường vô sinh vô tử
Các con chớ có quên mình gìn giữ
Đó là lời cuối cùng của Đức Như Lai
Tu chỉ một đường, không một không hai
Phật tánh muôn đời, không thêm không bớt
Mỗi mỗi chúng con, hãy chuyên tâm tu tập
Cuộc đời, không có gì bằng đạo lý từ bi
Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi
Ta từ giã các con, nơi Sa La Song Thọ
Rừng núi hoang vu, im bặt tiếng gió
Ngân hà nín thở, rơi rụng trăng sao
Rằm tháng Hai Âm lịch, trăng thắm lệ đào
Đức Từ Phụ Bổn Sư an nhiên niết bàn nhập diệt
Đại chúng cất lên Thích Ca Mâu Ni tha thiết
Núi rừng hòa vọng âm vang
Lan xa thế giới ba ngàn
Vượt qua mười phương tam thế
Vũ trụ càn khôn nhỏ lệ
Hướng về thế giới Ta Bà
Hộ trì đạo lý Thích Ca
Ngưỡng nguyện phổ chiếu Phật Đà
Hằng hà pháp giới châu sa
Nhất nhất chấp tay đồng Niệm Phật:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”
Sau khi kết thúc bài, Phật tử hãy đứng dậy để vừa tụng bài kệ tắm Phật và múc nước tắm cho Phật:
“Con nay rưới tắm chư Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức đầy
Chúng sanh năm trược rời trần cấu
Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Sa La chưa từng diệt
Không sinh không diệt Đức Cồ Đàm
Nếu dùng mắt thường thấy sinh diệt
Sáng nay ngày mười lăm tháng Tư
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước trên trời xuống
Hoa sen đỡ chân từ đất lên
Án Mâu Ni, Mâu Ni, Tam Mâu Ni, Ta Phạ Hạ (3 lần).
Nghi lễ thứ 4 là tụng bát nhã tâm kinh
Nghi lễ thứ 5 là tụng Sám khánh đản
Đệ tử hôm nay
Gặp ngày Khánh Đản
Một dạ vui mừng
Cúi đầu đảnh lễ
Thập phương Tam Thế
Đều ngự Như Lai
Cùng Thánh Hiền Tăng
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Bởi thiếu nhân lành
Thảy đều sa đọa
Tham sân chấp ngã
Quên hẳn đường về
Tình ái si mê
Tù trong lục đạo
Trăm dây phiền não
Nghiệp báo không cùng
Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân
Rủ lòng lân mẫn
Không nỡ sinh linh thiếu phước
Nặng kiếp luân hồi
Đêm dày tăm tối
Đuốc tuệ rạng soi
Nguyện cứu muôn loài
Pháp dùng phương tiện
Ta Bà thị hiện
Thích chủng thọ sanh
Thánh Ma Da mộng ứng điềm lành
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo
Ba mươi hai tướng tốt
Vừa mười chín tuổi xuân
Lòng từ ái cực thuần
Trí xuất trần quá mạnh
Ngai vàng quyết tránh
Tìm lối xuất gia
Sáu năm khổ hạnh rừng già
Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa
Chứng thành đạo quả
Hàng phục ma binh
Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh
Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ
Chúng con nguyện:
Dứt bỏ dục tình ngoan cố
Học đòi đức tánh quang minh
Cúi xin Phật Tổ giám thành
Từ bi gia hộ
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh
Chóng thành đạo quả
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Nghi lễ thứ 6 là tụng Hồi hướng
Lễ Phật công đức thù thắng hạnh
Vô biên thắng phước giai hồi hướng
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh
Tốc vãng vô lượng quang Phật sát
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
Nguyện đắc trí huệ cho minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ Tát đạo
Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ
Nguyện dĩ thử công đức
Phổ cập ư nhứt thiết
Ngã đẳng dữ chúng sanh
Giai cộng thành Phật đạo
Nghi lễ thứ 7 là Phục nguyện
Vừa rồi bao nhiêu công đức, bấy nhiêu hương hoa, thành kính thiết tha, nguyện xin hồi hướng, cúng dường kim tướng Phật tổ sơ sanh, cúi xin đức Phật giám thành, từ bi nạp thọ. Phục nguyện một hoa đàm đã nở, một vị Thánh ra đời, một ngôi sao đêm tối, một mặt trời mùa đông, may mắn biết bao cho Ta Bà thế giới, vui mừng nào kể cả vũ trụ đất trời, từ nay bể khổ gặp thuyền từ, đường mê nhờ đuốc tuệ, Phật tánh muôn loài vốn có, mê tâm hiếm kẻ nào không, mê lầm giác ngộ, tự tánh lo toan, đau khổ an vui do tâm quyết định, gắng sức tu bồi nhân tốt, chờ ngày thành tựu quả lành, chúng con rồi sẽ thành Phật, Đức Phật là Phật đã thành. Lại nguyện: Đạo pháp huy hoàng, chúng tăng thanh tịnh, trời yên bể lặng, gió thuận mưa hòa, nhà nhà lạc nghiệp an cư, xứ xứ thái bình thạnh trị, gia đình Phật tử, phước thọ khương ninh, pháp giới chúng sanh, đều thành Phật đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nghi lễ thứ 8 là Tam tự quy
“Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.
Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.
Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại.
Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”
Cuối cùng, Phật tử lạy 3 lạy trước khi kết thúc nghi thức tắm Phật.
Nghi thức tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh nói trên.
Theo truyền thuyết này, khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Bài chú tắm Phật
Khi thực hiện nghi lễ Tắm Phật, các Phật tử sẽ niệm bài chú sau:
Con nay rưới tắm các Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh năm trược rời cấu trần
Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Sa La chưa từng diệt
Bất sinh bất diệt đức Cồ Đàm
Trong mắt nhìn xem càng thêm bớt.
Sáng nay là mồng tám tháng tư
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước ngoài trời đến
Hoa sen đỡ bước theo đất mọc.
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.
Nguồn tham khảo và tổng hợp: Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thư viện Hoa Sen.
XEM THÊM:
- Tất Niên là gì? Ý nghĩa, phong tục ăn Tất niên 3 Miền
- Những việc nên làm ngày rằm tháng giêng để cả năm an lành, may mắn, thuận lợi
- Tìm hiểu một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh
Bài viết trên đã thông tin chi tiết đến bạn về lễ tắm Phật. Hy vọng với những kiến thức trên sẽ giúp bạn có được một ngày đại lễ Phật đản viên mãn, đạt được tấm lòng thanh tịnh. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ ngay để mọi người cùng biết nhé!