Kẹo cao su (còn gọi là kẹo gum hay kẹo sinh-gum) là loại kẹo phổ biến được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều người đã vô tình nuốt loại kẹo này vào bụng. Vậy nuốt kẹo cao su có sao không? Cách xử lý khi gặp phải tình huống này là gì? Cùng tìm hiểu bài viết bên dưới nhé!
Thành phần của kẹo cao su
Kẹo cao su là một dạng kẹo được thiết kế mềm để nhai mà không nuốt. Mỗi công ty có một công thức làm kẹo cao su riêng biệt, tuy nhiên tất cả các loại đều có cùng những thành phần cơ bản.

Được cấu tạo chủ yếu bởi gôm và đường. Ngoài ra, trong kẹo cao su còn có chứa một số chất tạo màu, tạo mùi khác, xylitol, tùy theo từng nhãn hàng.
Thông thường, gôm trong kẹo cao su được làm từ chất đàn hồi, sáp ong hay nhựa thông,… Bên cạnh đó, gôm còn chứa chất béo và sữa nhũ hóa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu lỡ nuốt phải kẹo cao su
Kẹo cao su có độ dính và đàn hồi. Bạn có thể nhai chúng trong nhiều giờ, nhưng bạn sẽ không thấy bất kỳ thay đổi nào về kích thước của chúng. Chính vì vậy mà người ta tin rằng nó sẽ tồn tại trong niêm mạc dạ dày và thậm chí sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong ruột.

Theo Times of India phần chính của kẹo cao su thì không hòa tan, giống như chất xơ có trong rau và hạt. Cơ thể chúng ta không sản xuất các enzym tiêu hóa để phá vỡ chúng và do đó nó vẫn còn nguyên vẹn ngay cả trong dạ dày của chúng ta.
Nhưng cũng giống như bất kỳ thực phẩm nào khác mà chúng ta ăn, nó di chuyển qua hệ tiêu hóa và được loại bỏ khỏi cơ thể qua phân.
Trẻ nuốt kẹo cao su có sao không? Có bị tắc ruột không?
Trẻ lỡ nuốt kẹo cao su phải làm sao? Từ giữa những năm 1900, các nhà khoa học đã tìm được cách làm cao su tổng hợp để thay thế cho hầu hết các cao su tự nhiên trong kẹo cao su.
Tuy nhiên, dạ dày của chúng ta cũng không thể tiêu hóa được cao su tổng hợp như các loại thức ăn thông thường khác.

Dù vậy, nếu trẻ nuốt kẹo cao su thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Cơ thể có cơ chế để xử lý và đào thải kẹo cao su ra ngoài. Quá trình này diễn ra như sau:
- Ban đầu, hệ tiêu hóa sẽ xử lý kẹo cao su như mọi loại thực phẩm khác. Dịch tiêu hóa phá vỡ các thành phần của kẹo cao su như chất làm ngọt, chất làm mềm và hương liệu.
- Sau đó, phần bã còn lại sẽ được di chuyển qua đường tiêu hóa bằng các hoạt động “đẩy” bình thường của ruột. Cuối cùng, cao su sẽ được đưa ra ngoài cơ thể thông qua hệ bài tiết.
Cách xử lý khi bé nuốt kẹo cao su
Hãy cho bé uống thật nhiều nước và ăn cháo với rau xanh cắt nhỏ. Bạn nên ưu tiên lựa chọn những loại rau chứa nhiều chất xơ. Việc này sẽ hạn chế tình trạng táo bón và tắc ruột ở trẻ.

Với các bé hay bị táo bón, 2–3 ngày đi vệ sinh/lần thì khả năng bị tắc ruột khá cao. Lúc này, bạn cần thường xuyên bổ sung thêm đu đủ và chuối cho bé.
Trường hợp thấy trẻ kêu đau bụng, không đi cầu, không đánh rắm được, thì bạn cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc nuốt kẹo cao su có sao không? Bạn cũng cần cẩn thận khi sử dụng và đừng nhai quá nhiều để phòng tránh các tác hại của kẹo cao su đối với sức khỏe nhé!