Trong khoảng thời gian đầu đời của các bé sơ sinh, ti giả đã đóng vai trò như một người bạn đồng hành với bé và được bố mẹ tin dùng. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi đặt ra là có nên cho bé ngậm ti giả hay không? Thời gian sử dụng và cai ti giả như thế nào là hợp lý đúng cách? Bài viết này sẽ giúp bố mẹ giải đáp những thắc mắc trên nhé!
Có nên cho trẻ ngậm ti giả hay không?
Từ lâu, ti giả được biết đến là sản phẩm hạn chế tật mút tay ở trẻ, mang đến những lợi ích nhất định trong quá trình phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì ti giả cũng có những điểm hạn chế gây bất lợi cho trẻ nếu bố mẹ lạm dụng và cho bé sử dụng trong một khoảng thời gian dài. Dưới đây, là những ưu điểm và hạn chế:
Ưu điểm
- Ti giả có khả năng xoa dịu trẻ, giúp bé ít quấy khóc bởi hình dáng của ti giả tương tự như núm vú của mẹ nên bé sẽ cảm thấy an toàn, gần gũi như đang ngậm ti mẹ.
- Trong những trường hợp cần tiêm phòng cho bé, ti giả làm bé mất tập trung từ đó dễ dàng hơn trong việc cho bé tiêm phòng.
- Giúp bé cảm thấy thoải mái dễ chịu, dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Giúp bé loại bỏ thói quen mút tay, hạn chế được các vi khuẩn, vi rút xâm nhập từ tay vào miệng.
- Theo một số thống kê, ti giả giúp giảm đến 90% nguy cơ hội đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS). Vì núm vú giả có thể bảo vệ trẻ bằng cách tạo một khoảng trống giữa quần áo, khăn quấn quanh trẻ và mũi, miệng của bé khi ngủ, nhờ vậy giảm thiểu nguy cơ bé bị ngạt thở khi ngủ dẫn đến tử vong.

Nhược điểm
- Việc lạm dụng ti giả quá nhiều sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc vào núm vú giả. Khi bé đã quen với việc ngậm ti bé sẽ trở nên lười bú mẹ, khiến cho sữa mẹ tiết ra ít hơn. Ngoài ra, nếu bé quen với việc ngậm ti giả khi ngủ, khi ti rớt ra bé sẽ quấy khóc.
- Ngậm ti giả thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa, dễ mắc các vấn đề về răng miệng, cơ hàm do tuyến nước bọt tiết ra nhiều
- Phụ thuộc vào ti giả trong thời gian dài, bé sẽ gặp khó khăn khi thở bằng mũi và việc ngậm ti giả cũng khiến cho việc thở bằng miệng của bé cũng bị hạn chế hơn.
- Có thể làm gián đoạn việc cho bé bú vì ti giả khiến bé dễ bị nhầm lẫn. Thậm chí, bé còn có thể thích ti giả nhiều hơn là bú mẹ, dẫn đến bé lười bú, biếng ăn.
- Núm vú giả không được vệ sinh thường xuyên sẽ khiến bé bị tiêu chảy, dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

Kết luận: Bên cạnh những lợi ích khi sử dụng ti giả, thì nó cũng đem đến những tác hại nhất định cho sức khỏe của bé. Vì thế, các mẹ nên cân nhắc cho con sử dụng một cách hợp lý, không lạm dụng quá nhiều vào ti giả.
Khi nào nên cho trẻ ngậm ti giả
Theo độ tuổi
Theo các chuyên gia, nên tránh dùng ti giả cho trẻ trong vòng 3 – 4 tuần đầu. Mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé sử dụng ti giả khi đã cho bé bú tốt (bú mẹ hoặc bú bình), tối thiểu khi trẻ trên 1 tháng tuổi.
Ngoại trừ các trường hợp có chỉ định từ bác sĩ như trẻ sinh non thì có thể cho trẻ sử dụng từ sớm để kích thích phản xạ bú. Nếu trẻ sinh đủ tháng bình thường mà mẹ muốn cho trẻ dùng ti giả từ sớm thì nên xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ.

Sau khi các bé được 6 tháng tuổi, mẹ nên xem xét việc cai ti giả từ từ cho bé. Muộn nhất là khi các bé được 1 tuổi, nên được cai ti giả hoàn toàn.
Tần suất sử dụng
Ba mẹ chỉ cho bé sử dụng khi thấy bé có nhu cầu mút, nhưng trước khi cho bé ngậm ti giả thì cần xem bé có đói bụng hay bị mệt không để giải quyết những nhu cầu này trước, sau đó mới sử dụng ti giả để không khiến bé cảm thấy khó chịu.

Khi nào nên cai ti giả?
Thời gian cai ti giả cho bé
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì mẹ nên cai ti giả cho trẻ càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước 1 tuổi. Không nên để trẻ sử dụng ti giả khi trẻ từ 2 – 4 tuổi để tránh ảnh hưởng đến việc phát triển răng miệng, cơ hàm và khuôn mặt của trẻ.

Cách cai ti giả cho bé
- Dành cho bé một khoảng thời gian để thích nghi: Không nên bắt bé ngừng ti giả một các đột ngột, hãy cách giảm thời gian dùng của bé xuống từ từ để hạn chế bé quấy khóc, khó chịu
- Tạo thói quen thích nghi dần cho bé: Chọn thời điểm bé ít quấy khóc như: đang ngủ, chơi đồ chơi,…để tập dần cai ti giả cho bé.
- Đánh lạc hướng: Khi bé đòi ngậm ti, mẹ hãy tìm các phương pháp khác để thay thế, hướng sự chú ý của bé sang thứ khác bằng nhiều cách khác nhau như chơi đồ chơi, xem phim hoạt hình, dắt bé đi dạo…
- Trò chuyện với bé: Khi bé đã đủ lớn và có thể hiểu những gì mẹ nói, mẹ hãy trò chuyện với bé về việc nên cai ti giả, trấn an và động viên khích lệ nếu bé làm tốt.
- Hạn chế để bé nhìn thấy ti giả: Mẹ có thể cất chỗ kín đáo, hay nơi cao để bé không với tới và đòi ti.

Hy vọng, bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc của các bậc cha mẹ về việc có nên cho bé ngậm ti giả không, làm sao để sử dụng ti giả cũng như cai ti cho bé một cách hợp lý, từ đó giúp các bé tạo được thói quen tốt hơn trong quá trình phát triển khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/pacifiers/art-20048140