Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sữa trào vào đường thở khi bé đang bú hoặc sau bú. Nếu không nhận biết để xử lý kịp thời sẽ có thể khiến trẻ khó thở, da tím tái, mềm nhũn hoặc co cứng, bé ho sặc sụa, thậm chí ngừng thở, ngừng tim và tử vong. Cùng xem ngay cách chữa sặc sữa cho trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây của VANHOADOISONG nhé!
Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị sặc sữa
Sặc sữa là hiện tượng khá phổ biến và rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do:
– Sữa mẹ quá nhiều hoặc núm vú cao su có lỗ thông quá rộng, tốc độ sữa tiết ra nhanh khiến bé bú không kịp.
– Ẵm hoặc đặt bé không đúng tư thế khi cho bé bú.
– Cho bé bú quá no.
– Cho bú khi trẻ đang ho, đang khóc,…

Cách xử lí khi em bé bị sặc sữa
Khi nhận thấy bé sơ sinh bị sặc sữa, trước tiên cha mẹ cần bình tĩnh, đặt bé nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra phía sau, một tay đỡ lấy lưng của bé, dùng hai ngón tay kia ấn vào phần phía trên rốn một cách nhanh và mạnh (ấn vào trong, hướng lên trên) cho đến khi bé có dấu hiệu hồi phục.
Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể giữ trẻ trong tư thế nằm sấp trên đầu gối của mình, đầu bé chúc xuống thấp hơn thân, sau đó dùng tay còn lại vỗ nhiều lần vào phần lưng, giữa hai xương bả vai của bé để tống sữa ra khỏi đường hô hấp.
Trong quá trình thực hiện vỗ lưng, ấn ngực, có thể kết hợp dụng cụ để hút sạch đường thở, mũi, họng cho bé (nếu không có dụng cụ thì có thể cùng miệng), tránh để sữa đọng lại bên trong đường thở, gây tắc nghẽn hệ hô hấp.
Sau khi thực hiện kết hợp các biện pháp trên và đã hút sạch đường thở mà trẻ vẫn chưa hồi phục, có dấu hiệu ngừng thở thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa sặc sữa cho trẻ ở sinh
Để tránh tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh, ba mẹ và người cho bé bú sữa cần chú ý:
– Cho em bé bú sữa khi còn thức, không nên cho bé vừa bú vừa ngủ.
– Không đùa giỡn với bé khi cho bé bú vì có thể khiến bé cười, gây sặc sữa.
– Khi bú nên bế bé ở tư thế cao đầu, thoải mái, không nên gập cổ hoặc ngửa cổ quá vì gập cổ dễ khiến sữa sặc lên mũi, còn ngửa cổ sẽ làm bé khó nuốt, sữa trào ra ngoài.
– Cho bé bú từ từ, không vội vàng. Nên quan sát bé trong khi cho bé bú, đảm bảo bé nuốt được hết sữa khi bú.

– Khi bé ho hoặc khóc phải ngừng cho bú ngay.
– Nếu sữa mẹ quá nhiều, bé chưa kịp nuốt thì mẹ hãy dùng 2 ngón tay kẹp đầu ti để giảm lượng sữa và tốc độ sữa chảy.
Đối với trẻ bú bình, cần lưu ý núm vú cao su không nên quá rộng. Nên đặt bình sữa nghiêng khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, bé không mút phải nhiều không khí, tránh gây đầy hơi.
Ngoài ra, sau khi bé vừa bú no, không nên đặt bé nằm ngay hay thay đổi tư thế đột ngột. Có thể bế bé nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ, vỗ nhẹ lưng để tránh bé bị đầy hơi, có thể gây sặc sữa.

Hướng dẫn chăm sóc bé bị sặc sữa
Sau khi đã xử lý tình trạng sặc sữa, bé vẫn cần được theo dõi, chăm sóc để đảm bảo sức khỏe an toàn. Không nên cho trẻ tiếp tục bú hoặc ăn ngay sau khi sặc sữa mà hãy đợi khoảng 30 phút. Nên bế trẻ thẳng đứng khoảng 20 – 30 phút sau khi ăn, tránh thay đổi tư thế đột ngột.
Ngoài ra, bố mẹ nên để bé ngủ sau ăn ít nhất từ 2 – 3 giờ. Nếu được, hãy hạn chế quấn tã, mặc quần áo chật cho bé để tránh tăng áp lực ổ bụng khiến trẻ bị sặc, trào ngược sữa.
Nếu bé nôn trớ, sặc sữa do vấn đề ăn uống hay chăm sóc chưa đúng cách thì bố mẹ cần tìm hiểu và điều chỉnh lại chế độ ăn uống và chăm sóc đối với bé, luôn quan tâm, theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé.
Nếu bé bị sặc sữa do vấn đề liên quan đến bệnh lý thì cần làm rõ nguyên nhân, đưa bé đến cơ sở y tế để được xử lý nhé!

Xem thêm:
- Bỏ túi cách sử dụng bình ủ sữa cho bé để giữ nhiệt tốt
- Cách sử dụng cháo tươi cho bé ngon miệng
- Cách sử dụng dầu oliu cho bé ăn dặm nhiều dưỡng chất nhất
Vừa rồi là những chia sẻ về tình trạng sặc sữa ở trẻ và cách chữa sặc sữa cho trẻ sơ sinh kịp thời, hiệu quả. Hy vọng sẽ giúp các mẹ chăm sóc bé tốt hơn, khỏe mạnh hơn nhé!