Sốt phát ban không phải tình trạng hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Một câu hỏi mà nhiều quý phụ huynh thường thắc mắc đó là bé bị phát ban sau sốt có nên tắm không? Sau đây hãy cùng vanhoadoisong đi tìm câu trả lời nhé!
Tình trạng phát ban sau sốt ở trẻ là gì?
Tình trạng phát ban thường gặp sau khi sốt. Da trẻ sẽ có dấu hiệu ngứa, bong vẩy, đồng thời xuất hiện nhiều đốm màu hồng, đôi khi đốm bị bao quanh bởi một vòng màu trắng.
Bệnh còn có một số dấu hiệu khác như sốt ở nhiệt độ cao từ 38 – 39.4°C kèm theo ho, sổ mũi, viêm họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Ngoài ra, bé có thể bị sưng mí mắt, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy,…
Thông thường bệnh sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày tùy nguyên nhân phát bệnh và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm thì bệnh có khả năng trở nặng, gây nhiễm trùng, sẹo và những biến chứng về sau. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Lưu ý: Cần đưa bé đi gặp bác sĩ nếu xuất hiện một trong số những dấu hiệu sau:
- Trẻ bị sốt ở nhiệt độ cao, hơn 39.5°C
- Phát ban không thuyên giảm sau 3 ngày
- Trẻ nóng sốt kèm theo phát ban trên 7 ngày
- Trẻ có sức đề kháng yếu hoặc đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh sốt phát ban
Nguyên nhân khiến trẻ bị phát ban sau sốt
Theo các chuyên gia, bệnh phát ban thường do virus đường hô hấp gây ra, gồm: virus sởi, virus rubella, adenovirus, echovirus,…
Ngoài ra, trẻ bị phát ban sau sốt có thể do đã mắc các bệnh sau đây:
Bệnh ban đào
Bệnh ban đào lây qua đường nước bọt, ho, hắt hơi. Bệnh thường xuất hiện sau khi trẻ bị sốt cao đột ngột từ 38.8 – 40.5°C, kéo dài từ 3 – 7 ngày.

Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng khác như biếng ăn, tiêu chảy, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt, sưng hạch bạch huyết, buồn ngủ,…
Trong vòng 12 – 24h sau khi cơn sốt dịu bớt, các đốm đỏ sẽ lan dần từ thân người ra vùng bụng, lưng và ngực. Vì vậy, việc chẩn đoán trẻ bị phát ban sau sốt sẽ chính xác hơn sau khi thân nhiệt đã trở lại bình thường và các đốm phát ban dần xuất hiện.
Lưu ý: Nếu trẻ sốt cao kèm theo co giật, phụ huynh cần quan sát cẩn thận và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh tay chân miệng
Đây là một bệnh khá phổ biến đối với trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần.
Hiện nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để điều trị bệnh dứt điểm. Sau khi khỏi, bệnh vẫn có khả năng tái phát từng năm.
Lúc mới khởi phát, trẻ bắt đầu sốt, đau họng và chán ăn. Quanh miệng xuất hiện những vết loét gây đau nhức, ngoài ra còn có các đốm đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Đối với tình trạng nghiêm trọng, các nốt phát ban còn lan đến các bộ phận khác như mông, bộ phận sinh dục.
Bệnh sởi
Sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi ở trẻ em. Tình trạng phát ban xuất hiện sau khi sốt. Những đốm đỏ xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần sang vùng ngực, bụng và toàn thân.
Khác với những bệnh phát ban khác, vết ban do bệnh sởi có đặc điểm dạng sẩn (ban sần sùi trên mặt da). Từng vết ban sẽ biến mất theo thứ tự xuất hiện của chúng và để lại những vết thâm đặc trưng, được gọi là vằn da hổ.
Bệnh còn kèm theo những biến chứng rất nguy hiểm như viêm phổi, viêm não do virus.

Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn
Tình trạng phát ban sau sốt khá phổ biến ở trẻ mắc bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là hai má trẻ sẽ ửng hồng, kèm theo các triệu chứng tương tự như khi bị cảm lạnh và sốt nhẹ.
Những vết đỏ trên má xuất hiện sau khi sốt từ 7 – 10 ngày và lan khắp cơ thể. Bệnh sẽ khỏi sau một khoảng thời gian nhất định và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Bé bị sốt phát ban có tắm được không?
Rất nhiều người lầm tưởng rằng nên kiêng tắm cho bé đang bị sốt phát ban. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quan niệm này hoàn toàn sai lầm, thậm chí còn khiến bệnh trở nặng và lâu khỏi hơn.
Nếu da bé không được vệ sinh hàng ngày thì vi khuẩn sẽ tích tụ dưới da, gây nên tình trạng ngứa ngáy. Đặc biệt còn có thể dẫn đến viêm da bội nhiễm và nổi mẩn đỏ.
Vì vậy, muốn bệnh sốt phát ban nhanh khỏi thì mẹ nhớ tắm cho bé bằng nước ấm, ở nơi kín gió, trong khoảng 5 – 7 phút và lau khô người ngay sau khi tắm.
Lưu ý: Chỉ nên tắm cho trẻ sau khi hết sốt.

Một số điều trẻ cần kiêng kị khi bị phát ban sau sốt
Để tình trạng phát ban nhanh khỏi, tránh lan rộng sang những vùng da khác, cha mẹ cần chú ý hạn chế bé những việc sau:
Kiêng gãi lên vùng da bị ngứa
Trẻ bị sốt phát ban sẽ có những cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên nếu bé đưa tay lên gãi nhiều sẽ vô tình khiến vùng da phát ban đang nhạy cảm dễ bị tổn thương. Vi khuẩn ở tay sẽ xâm nhập vào gây nhiễm trùng, dẫn đến bệnh lâu khỏi.
Vì vậy, bố mẹ nhớ hạn chế trẻ đưa tay lên gãi và tốt nhất nên cắt ngắn móng tay cho bé.

Cho trẻ tránh xa những nơi chật chội, tù túng
Một trong những lí do khiến phát ban sau sốt mãi không thuyên giảm đó là môi trường sống chật chội, tù túng, không khí ngột ngạt, ẩm ướt.
Để nhanh khỏi bệnh thì cần cho bé sinh hoạt ở nơi sạch sẽ, thoáng đãng và nhiều ánh sáng để hạn chế vi khuẩn sinh sôi.

Kiêng mặc quần áo bó sát người cho trẻ phát ban sau sốt
Không nên chọn cho bé những quần áo chật chội và bó sát người vì gây bí da và quần áo cọ xát vào vết phát ban càng gây ngứa ngáy, khó chịu.
Mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu vải thấm hút mồ hôi tốt để da khô thoáng, giúp giảm nhanh tình trạng phát ban.

Hạn chế cho trẻ tới nơi môi trường ô nhiễm, khói bụi, đông người
Trẻ bị phát ban sau sốt có sức đề kháng yếu đi nên cần hạn chế cho trẻ đến những nơi khói bụi, đông người. Vì môi trường ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn, vi rút và các tác nhân gây bệnh khác khiến da bé trở nên nhạy cảm hơn.
Do đó, phụ huynh cần hạn chế đưa trẻ ra ngoài. Nếu bắt buộc ra khỏi nhà thì hãy đeo khẩu trang và che chắn thật kỹ cho bé nhé.

Kiêng ăn 1 số loại thực phẩm
Để tăng cường sức đề kháng và giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe, ba mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và kiêng cho bé một số loại thực phẩm sau:
- Trứng và các món ăn từ trứng: Trong trứng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên trẻ đang bị phát ban không nên ăn trứng vì loại thực phẩm này chứa nhiều năng lượng với hàm lượng đạm rất cao, dễ gây khó tiêu, nóng trong người làm cho các vết ban đỏ lan rộng hơn.
- Thực phẩm cay nóng: Thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ dễ gây kích ứng dạ dày của bé, gây nóng bụng. Vì vậy bố mẹ không nên cho bé ăn những loại thực phẩm này.
- Nước lạnh, nước có gas: Không nên cho bé uống nước lạnh vì dễ gây sốc nhiệt, viêm họng. Ngoài ra, nước ngọt có gas chứa nhiều đường hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Do đó, phụ huynh nhớ cho bé uống nước ấm hoặc nước trái cây để giải nhiệt.

Lưu ý: Những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, bố mẹ vẫn cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Nhìn chung phát ban sau sốt là một căn bệnh lành tính. Nếu được chữa trị kịp thời và thực hiện những biện pháp thích hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ thì bệnh sẽ sớm khỏi. Hi vọng qua bài viết, bố mẹ đã có đáp án cho câu hỏi bé bị phát ban sau sốt có có nên tắm không nhé!