Việc sử dụng băng vệ sinh vào giai đoạn hành kinh trở nên quen thuộc với các chị em phụ nữ. Ngoài băng vệ sinh, tại Việt Nam vẫn còn nhiều nghi ngờ xung quanh độ hiệu quả của tampon. Vậy băng vệ sinh tampon là gì? Dùng tampon thay thế băng vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ” được không? Cùng cẩm nang mẹ và bé của VHĐS tìm hiểu dưới đây nhé!
Tampon là gì?
Băng vệ sinh tampon là một trong nhiều phương pháp hấp thụ máu kinh nguyệt, có dạng que. Với kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay, khi sử dụng, đặt trực tiếp tampon vào bên trong âm đạo. Ở phần đuôi, được gắn một đoạn dây nhỏ, thuận tiện trong quá trình vệ sinh vùng kín.

Tampon được làm bằng gì?
Hầu hết tampon làm bằng sợi tơ nhân tạo (rayon) hoặc sợi bông tổng hợp (cotton) hoặc bằng sự kết hợp giữa cả 2 loại sợi đó nên có khả năng thấm hút rất tốt. Đồng thời, sợi thấm hút làm bằng quy trình tẩy trắng không chứa nguyên tố clo giúp ngăn hàm lượng dioxin nguy hiểm (một loại chất ô nhiễm có trong môi trường).
Trên thị trường có nhiều loại tampon với kích cỡ, độ thấm hút khác nhau phù hợp với từng nhu cầu sử dụng cho từng ngày trong kỳ kinh. Khi sử dụng, có loại mở rộng theo trục dọc (tăng chiều dài), có loại mở rộng xuyên tâm (tăng đường kính).

Độ an toàn của băng vệ sinh tampon
FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã xem xét, đánh giá mức độ an toàn của nguyên liệu và độ hiệu quả với các sản phẩm tương đương trên thị trường trước khi có thể bán hợp pháp tampon ở Mỹ. Chính vì vậy, bạn có thể an tâm khi sử dụng các loại băng vệ sinh tampon.

Cách dùng băng vệ sinh tampon
Bước 1: Rửa tay bằng xà phòng, ngay cả khi bạn không tiếp xúc trực tiếp vào vùng kín.
Bước 2: Chọn tư thế thoải mái nhất. Đối với một số người, đó là tư thế ngồi trên bồn cầu hoặc đứng dạng rộng hai chân. Nếu đây là lần đầu tiên, bạn cần hình ảnh trực quan thì có thể dùng một chiếc gương cầm tay để quan sát.
Bước 3: Cầm tampon đúng cách. Dùng ngón giữa và ngón cái giữ lấy phần giao giữa ống nhỏ và ống lớn. Ngón trỏ đặt lên phần đầu ống nhỏ, nơi có sợi dây.
Bước 4: Nhẹ nhàng đẩy tampon vào âm đạo theo hướng chếch lên trên cho đến khi ngón tay chạm vào da thì ngừng lại
Bước 5: Từ từ dùng ngón trỏ đẩy đầu ống nhỏ vào trong cho đến khi hết rồi ngừng lại.
Bước 6: Cuối cùng, lấy ống lớn ra khỏi vùng kín. Khi hoàn tất, bạn sẽ thấy sợi dây treo ở ngoài.

Cách gỡ băng vệ sinh tampon ra
Bước 1: Rửa tay sạch sẽ bằng xã phòng. Điều này giúp bạn đảm bảo an toàn và không mắc bệnh viêm nhiễm.
Bước 2: Chọn tư thế thoải mái nhất. Nhằm đề phòng trường hợp sợi dây bị đứt, hãy thả lỏng phần thân dưới.
Bước 3: Nhẹ nhàng kéo sợi dây tampon ra ngoài. Bạn sẽ có cảm thấy sự ma sát bên trong âm đạo nhưng hoàn toàn vô hại và không gây đau đớn.
Bước 4: Dùng giấy vệ sinh bọc tampon và vứt vào thùng rác. Các loại băng vệ sinh không thể tự phân huỷ sinh học nên việc vứt vào bồn cầu gây tắc nghẽn đường ống.

Có thể tái sử dụng không?
FDA không khuyến khích việc tái sử dụng băng vệ sinh. Nguyên nhân là tỉ lệ cao nguy cơ mắc phải bệnh phụ khoa do vi khuẩn, nấm hình thành. Loại băng vệ sinh duy nhất được FDA thông qua quá trình đánh giá và thử nghiệm được thiết kế sử dụng một lần.

Ưu và nhược điểm của băng vệ sinh tampon
Ưu điểm
Nhỏ gọn: Với kích thước nhỏ hơn băng vệ sinh dạng miếng, tampon rất thuận lợi khi mang theo bên mình.
Hữu ích: Tuỳ vào loại có khả năng thấm hút, các chị em không còn lo lắng, bận tâm về vấn đề tràn hay lộ băng vệ sinh. Tự tin và thoải mái mặc trạng phục sáng màu, bó sát và vô tư tham gia các hoạt động mạnh.
Sạch sẽ: Trái ngược với băng vệ sinh dạng miếng sẽ tạo mùi hôi khó chịu, tampon thấm hút ngay từ bên trong và hầu như không để lại “dấu vết”.

Nhược điểm
Khó sử dụng: Đối với những bạn mới, dùng tampon phức tạp hơn miếng dán. Đồng thời, có tâm lý sợ hãi khi đưa một vật vào bên trong cơ thể.
Khó nhận biết lúc nào cần thay băng: Khi dùng tampon, chị em không thể dùng cảm giác để nhận biết khi nào cần thay mới như băng vệ sinh dạng miếng. Vì vậy, bạn cần lưu ý thời gian thay tampon.
Thay đổi hệ vi sinh: Băng vệ sinh tampon siêu thấm hút có thể làm mất cân bằng độ ẩm gây ra tình trạng khô âm đạo.
Nguy cơ mắc hội chứng sốc nhiễm độc (TSS): Sử dụng tampon trong thời gian quá lâu khiến môi trường trong bên trong vùng kín trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng băng vệ sinh tampon
Thời gian thay băng vệ sinh tampon: Tuỳ vào tần suất và lưu lượng máu kinh nguyệt, chị em nên thay băng đều đặn 4 – 8 tiếng/lần giúp phòng tránh viêm nhiễm.
Sử dụng qua đêm: Bạn hoàn toàn có thể sử dụng qua đêm với băng vệ sinh tampon nếu giấc ngủ kéo dài dưới 8 tiếng. Lưu ý sau khi thức dậy, hãy nhớ vệ sinh vùng kín và thay băng mới.
Ngừng sử dụng nếu thấy không khỏe: Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng: nổi mẩn đỏ, da bong tróc hay các nhóm cơ bị sưng,.. thì hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ vì đó là dấu hiệu của bệnh phụ khoa.

Xem thêm:
- Cách trang trí phòng có diện tích nhỏ hẹp
- 10 điều nghịch lí ở những người sáng tạo
- Đeo khẩu trang nhiều có bị mụn không? Cách khắc phục như thế nào?
Tóm lại, câu hỏi băng vệ sinh tampon là gì hẳn đã có câu trả lời. Tùy vào nhu cầu trong những ngày đèn đỏ mà chị em có thể lựa chọn được loại phù hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ kiến thức và lưu ý cần thiết cho chị em phụ nữ.