Khơi thông ‘điểm tắc’ cho du lịch ‘Ngược xuôi sông Mã’
- (VH&ĐS) Dù không hiền hòa, thơ mộng như sông Hương, cũng chẳng náo nhiệt, tráng lệ như sông Hàn hay sông Sài Gòn, sông Mã giữ riêng một nét đẹp hùng vĩ và sâu lắng, là điểm đến hấp dẫn du khách với tuyến “Ngược xuôi sông Mã”. Đây cũng chính là tuyến du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa, được công bố và đi vào hoạt động năm 2015.
Đến với “Ngược xuôi sông Mã” du khách sẽ được nghe giới thiệu về cầu Hàm Rồng lịch sử, ngắm danh thắng đôi bờ sông Mã, vãn cảnh chùa Sùng Nghiêm, thăm di tích Bia tưởng niệm Giáo sinh trường Y, cầu Nguyệt Viên… và cập bến tại Cảng Hới (TP Sầm Sơn). Du khách còn được tham quan nhà bia - nơi đón đồng bào chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc. Ngoài ra, khi tham gia tuyến du lịch này, du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca Thanh Hóa, hò Sông Mã và các làn điệu dân ca vùng miền Bắc bộ, thưởng thức các món ẩm thực đặc sản xứ Thanh.
Hiện tại, tuyến du lịch này do Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng Giao thông Thanh Hóa) đứng ra khai thác. Việc mở thêm tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới tới du khách, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh du lịch. Đồng thời mở ra cơ hội đầu tư khai thác và phát triển điểm, tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần phát triển KT-XH. Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra cho tuyến du lịch này là đánh thức tiềm năng du lịch đường sông, góp phần đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, cải thiện yếu tố mùa vụ của du lịch xứ Thanh, từ đó tăng tính hấp dẫn đối với du khách.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động tuyến du lịch này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Được biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, bình quân mỗi năm tuyến du lịch này đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội tỉnh. Khách du lịch đến từ các tỉnh lân cận chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng khách hàng năm.
Trung bình mỗi năm tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đón trên 1000 lượt khách.
Ông Nguyễn Huy Khoáng - Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đó là vẫn chưa hoàn thiện được một số hạng mục về cơ sở vật chất như bến bãi, nhà chờ, khu vực đỗ xe. Đặc biệt chưa có trung tâm đón tiếp du khách. Mặt khác, du lịch ngược xuôi sông Mã mặc dù là loại hình du lịch mới của tỉnh, giá cả phải chăng song vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền quảng bá chưa được thực hiện một cách bài bản. Hơn nữa, với đặc thù là du lịch đường sông nên cũng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Cụ thể, vừa qua do ảnh hưởng bởi mưa bão nên không ít đoàn khách đã phải hủy tour du lịch.
Theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, để tuyến du lịch này hoạt động hiệu quả hơn, trước hết hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cần được hoàn thiện, bao gồm bến đỗ, bãi đỗ xe, khu vực bán vé và giới thiệu du lịch, nhà chờ, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại tất cả các bến du lịch thuộc hai bên bờ sông Mã. Đồng thời, phải biến sản phẩm du lịch này thành cơ hội cho cả người dân và doanh nghiệp, từ đó kêu gọi sự chung tay xây dựng và khai thác sản phẩm, thông qua các cơ chế và thủ tục đầu tư thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, song song với việc khai thác cần có sự đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các danh thắng, di tích và các giá trị văn hóa phi vật thể tại các điểm đến trong suốt hành trình của tuyến du lịch, sao cho hiệu quả nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch mới của xứ Thanh.
Sông Mã là món quà của thiên nhiên, là nhân chứng cho những đổi thay, cho vận mệnh của vùng đất quê Thanh trong chiều dài lịch sử dân tộc. Dựa trên tiềm năng thế mạnh sẵn có, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đủ sức hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để tuyến du lịch này trở thành một sản phẩm du lịch riêng biệt, mang nét đặc trưng và độc đáo của Thanh Hóa, thì sự đầu tư nhân lực, vật lực là không nhỏ, cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và các cấp, ngành địa phương.
Hoài Anh
25 Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII
Sắp lên đô thị loại I, phố núi Pleiku hút nhà đầu tư bất động sản
Biển ở trong lòng
Liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch các tỉnh Bắc miền Trung
TP Sầm Sơn: Cưỡng chế thu hồi đất Dự án khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông
Phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49
Hãy theo đuổi đam mê...
- 1
Phản hồi sau bài báo “Góp vốn thành lập văn phòng Thừa phát lại Sầm Sơn”: Công lý đã được thực hiện
- 2
Thạch Thành - Điểm hẹn văn hóa và du lịch
- 3
Chung kết cuộc thi Chinese Festival 2019
- 4
Khai mạc Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch – Công bố điểm du lịch và quảng bá sản phẩm tiêu biểu huyện Thạch Thành năm 2019
- 5
Trường TH Thiệu Khánh: Năng động, sáng tạo, hết lòng vì học sinh
- 6
Khánh thành điểm trường mầm non bản Ché Lầu
- 7
Bắt 5 đối tượng lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội
- 8
Huyện Thạch Thành tham vấn ý kiến về phát triển du lịch
- 9
Trường THCS Xi Măng: Tự hào 30 năm “Trao tri thức - dựng tương lai”
- 10
Hà Trung: Khó khăn trong giải quyết xây dựng nhà ở ngoại đê
- 1
Phản hồi sau bài báo “Góp vốn thành lập văn phòng Thừa phát lại Sầm Sơn”: Công lý đã được thực hiện
- 2
Thêm văn phòng công ty bảo hiểm nhân thọ tại Thanh Hóa
- 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm kiểm tra công tác khắc phục giao thông các tuyến đường và tiến độ xây dựng các khu TĐC tại Mường Lát
- 4
Chung kết cuộc thi Chinese Festival 2019
- 5
Hà Trung: Khó khăn trong giải quyết xây dựng nhà ở ngoại đê
- 6
Môi trường của ai?
- 7
Chuyện về ông ngoại tôi - Nhà thơ Hữu Loan
- 8
Đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn kiểu mẫu
- 9
Giáo dục Thạch Thành: Phấn đấu giữ vững vị thế đứng đầu các huyện miền núi
- 10
Trường mầm non Trường Thi B: Điểm sáng bậc học mầm non